Giấc ngủ gián đoạn hoặc ngủ chập chờn là vấn đề phổ biến mà nhiều người thường gặp phải, điều này dễ khiến cơ thể mệt mỏi, sa sút tinh thần và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là gì? Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Hãy cùng Nệm Trung Nguyên tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục bài viết:
Thế nào là tình trạng giấc ngủ gián đoạn?

Giấc ngủ bị gián đoạn là tình trạng thức dậy một hoặc nhiều lần trong đêm, thời gian và độ dài của những lần thức giấc này hoàn toàn khác nhau. Sau khi thức dậy, một số người chỉ cần vài phút là có thể ngủ tiếp nhanh chóng. Tuy nhiên, một số khác lại không thể, thường sẽ nằm trằn trọc, nửa mê nửa tỉnh hoặc phải tốn một khoảng thời gian mới tiếp tục ngủ lại được.
Tìm hiểu nguyên nhân làm giấc ngủ bị gián đoạn
Vấn đề giấc ngủ gián đoạn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, theo Nệm Trung Nguyên tìm hiểu lý do sẽ là:
Căng thẳng hệ thần kinh

Những lo lắng, căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hoặc công việc có thể là nguyên nhân làm giấc ngủ bị gián đoạn. Những yếu tố này có thể làm giảm lượng hormone hạnh phúc trong cơ thể, từ đó cản trở quá trình chuyển hoá melatonin – hormone điều hòa giấc ngủ, dẫn đến việc bạn thường xuyên thức giấc vào nửa đêm.
Môi trường ngủ có vấn đề
Phòng ngủ quá nóng hoặc ngột ngạt, nhiều tiếng ồn, có ánh sáng chiếu vào, nệm ngủ quá cứng, đối tác chung giường ngáy to và thường xuyên chuyển động,… đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Hãy kiểm tra lại xem phòng ngủ của mình có những yếu tố khó chịu này không và tìm cách khắc phục nhé.
Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh

Sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực, socola,… có thể làm bạn thức cả đêm hoặc giảm chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, việc dùng đồ uống có cồn như rượu, bia có thể làm bạn dễ ngủ lúc đầu, nhưng nó sẽ khiến bạn nhanh chóng thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh.
Ăn khuya quá muộn, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ vào buổi tối cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, việc thường xuyên lướt điện thoại, máy tính trước khi ngủ sẽ làm giảm mức melatonin, dễ gây khó ngủ hơn.
Nếu bạn có thói quen tập thể dục trước khi ngủ, nên ngừng ngay vì việc này có thể làm cơ thể sản xuất nhiều cortisol – một loại hormone làm bạn tỉnh táo và sẽ gây cản trở giấc ngủ.
Thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mang thai
Phụ nữ mang thai hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh thường bị rối loạn hormone estrogen hoặc progesterone. Từ đó dẫn đến các vấn đề như đau nhức khớp, căng thẳng lo lắng, bốc hỏa, khó ngủ, giấc ngủ bị gián đoạn hoặc chập chờn.
Ảnh hưởng từ tuổi tác

Những người già trên 60 tuổi sẽ thường gặp tình trạng giấc ngủ chập chờn hoặc hay bị tỉnh giấc, nguyên nhân đến từ sự thay đổi trong chu kỳ ngủ – thức. Người có tuổi càng cao thì thời gian ngủ ngày càng ít.
Xuất phát từ bệnh lý
Việc thường xuyên thức dậy giữa đêm có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý như thiểu năng tuần hoàn não, hội chứng ngưng thở khi ngủ, viêm khớp, đau lưng, viêm xoang, bệnh dạ dày, tim mạch, xương khớp, dị ứng, hen suyễn, Parkinson, Alzheimer,… Bạn có thể thử đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện sớm, qua đó có phương án điều trị kịp thời.
Hậu quả khi giấc ngủ bị gián đoạn liên tục

Giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khoẻ, cụ thể như:
- Làm giảm sự nhạy bén của não: Tình trạng giấc ngủ gián đoạn kéo dài có thể làm mất đi sự nhạy bén và giảm khả năng tập trung của não. Trong một số hoạt động, bạn có thể gặp vấn đề khó tập trung và phản ứng chậm hơn so với bình thường, điển hình như lái xe. Qua đó làm giảm đáng kể năng suất học tập và làm việc.
- Khó khăn khi ghi nhớ: Trải qua một đêm với giấc ngủ bị gián đoạn, não của bạn sẽ gặp khó khăn khi cần ghi mới mọi thứ vào ngày hôm trước. Trí óc của chúng ta khi có một giấc ngủ trọn vẹn thì mới có thể ghi nhớ thông tin và xử lý tốt được.
- Tâm trạng dễ khó chịu: Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên mất ngủ hoặc thức dậy giữa đêm dễ gặp tình trạng cáu kỉnh, tức giận hoặc trầm cảm. Giấc ngủ có tác động rất lớn đến tâm trạng và cảm xúc, do đó việc duy trì một giấc ngủ ngon là điều cần thiết.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh: Khi bị mất ngủ, bạn có thể thường xuyên bị mắc bệnh hơn. Lý do là giấc ngủ cũng có tác động đến hệ thống miễn dịch, khi bị mất ngủ kéo dài, khả năng giảm viêm và chống nhiễm trùng của cơ thể sẽ bị giảm đi đáng kể. Ngoài ra, những người bị gián đoạn giấc ngủ còn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn so người có giấc ngủ trọn vẹn.
Vấn đề giấc ngủ bị gián đoạn có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác như đau nhức cơ thể, suy giảm chức năng ban ngày, giảm khả năng sáng tạo, gia tăng căng thẳng, giảm trí nhớ, tâm trạng không tốt,…
Cách ngăn ngừa và giải quyết vấn đề giấc ngủ gián đoạn
Để hạn chế và giải quyết vấn đề giấc ngủ bị gián đoạn, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây.
Xây dựng thói quen lành mạnh

Để có giấc ngủ trọn vẹn, bạn nên chủ động thay đổi và xây dựng các thói quen lành mạnh cho bản thân. Ví dụ như:
- Không thức quá khuya: Thời gian phù hợp để bắt đầu đi ngủ là 9-10 giờ tối, nếu thức quá khuya có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể. Bạn nên đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày để có sức khoẻ tốt nhất.
- Không ngủ trưa quá nhiều: Chỉ nên ngủ trưa khoảng từ 15-30 phút là đủ, ngủ nhiều hơn sẽ gây ra tình trạng khó ngủ hoặc ngủ chập chờn vào ban đêm.
- Không dùng đồ uống caffeine hoặc có cồn: Tuyệt đối không nên sử dụng các loại đồ uống như cafe, trà, nước tăng lực, bia, rượu hoặc dùng thuốc lá trước khi đi ngủ.
- Không dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ: Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như: điện thoại, máy tính, TV,… sẽ làm cho não luôn tỉnh táo, khiến bạn khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
- Không tập thể dụng sát giờ ngủ: Bạn nên tập thể dục vào ban ngày hoặc tập ít nhất khoảng 3 giờ trước khi ngủ, cách này sẽ giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Xem thêm: 10 loại thực phẩm cải thiện giấc ngủ
Cải thiện môi trường nghỉ ngơi
Không gian phòng ngủ có tác động lớn đến quá trình nghỉ ngơi, để giúp giấc ngủ trọn vẹn, bạn cần cải thiện các yếu tố sau đây:
- Lắp đặt thêm máy lạnh, duy trì nhiệt độ phòng khoảng 18-20 độ C.
- Tắt hết đèn trong phòng, dùng rèm che cửa sổ để hạn chế ánh sáng bên ngoài chiếu vào.
- Bịt kín các khe hở để chặn tiếng ồn, có thể dùng thêm nút đeo tai cho dễ ngủ.
- Mua chăn ga, gối, nệm mới, nhớ thường xuyên vệ sinh để đảm bảo sạch sẽ và thoáng mát.
- Góp ý với bạn cùng giường nếu họ ngáy quá lớn hoặc thường xuyên chuyển động khi ngủ.
Xem thêm: 12 cách ngủ ngon khi trời nóng không dùng điều hoà
Học cách giải tỏa căng thẳng

Một cách giải tỏa áp lực được nhiều người áp dụng là thực hiện các bài tập thiền hoặc yoga, đây là phương pháp giúp đầu óc thư giãn rất hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia tập luyện thể dục thể thao với các môn như: bơi lội, cầu lông, gym, chạy bộ,… Khi đầu óc đã giải tỏa được căng thẳng, bạn chắc chắn sẽ có một giấc ngủ thoải mái và trọn vẹn cả đêm.
Xem thêm: Cách ngồi thiền chữa bệnh mất ngủ
Đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị
Nếu tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Vấn đề giấc ngủ gián đoạn có thể xuất phát từ nhiều loại bệnh lý khác nhau, do đó bạn nên đến bệnh viện để có thể phát hiện sớm và có phương pháp chữa trị kịp thời.
Kết luận
Vấn đề giấc ngủ gián đoạn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế và cải thiện tình trạng này bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, xây dựng môi trường ngủ lý tưởng và học cách chăm sóc sức khỏe cho mình. Nếu tình trạng kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Bài viết chỉ có mục đích cung cấp thông tin, không được xem là lời khuyên y tế.
Nguồn tham khảo: