Đổ mồ hôi khi ngủ là bệnh gì? Tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp

Đổ mồ hôi khi ngủ là tình trạng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, gây ra nhiều trở ngại trong việc sinh hoạt và ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ. Vậy nguyên nhân của vấn đề đổ mồ hôi khi ngủ là gì? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Và làm thế nào để khắc phục? Nệm Trung Nguyên giúp bạn giải đáp chi tiết các câu hỏi trên trong bài viết dưới đây!

Nguyên nhân của tình trạng đổ mồ hôi khi ngủ là gì?

đổ mồ hôi đêm
Nguyên nhân đổ mồ hôi khi ngủ là gì?

Đổ mồ hôi khi ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, hầu hết mọi người gặp tình trạng này đều không mắc phải các vấn đề y tế nào nghiêm trọng. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cho các bệnh lý nguy hiểm, sau đây hãy cùng Nệm Trung Nguyên tìm hiểu các nguyên nhân cụ thể:

Môi trường ngủ quá nóng

Vấn đề đổ mồ hôi khi ngủ có thể xuất phát từ việc nhiệt độ trong phòng của bạn quá cao, bao gồm các nguyên nhân như phòng có độ thông khí kém, không có thiết bị làm mát, lựa chọn quần áo không phù hợp, sử dụng nệm/ga giường hoặc mền có chất liệu giữ nhiệt gây hầm nóng,… Những yếu tố trên có thể làm bạn đổ mồ hôi và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Cơ thể bị căng thẳng

Tiếp theo, việc đổ mồ hôi khi ngủ có thể là biểu hiện cơ thể đang cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng. Khi cơ thể có những lo lắng sẽ tạo ra phản ứng tự vệ hoặc trốn chạy, từ đó các hormone căng thẳng sẽ làm tăng tiêu hao năng lượng và gây ra tình trạng đổ mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể. Bên cạnh đó, chính những căng thẳng này có thể gây ra những cơn ác mộng trong lúc ngủ, dẫn đến việc đổ mồ hôi.

Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh

Phụ nữ mãn kinh đổ mồ hôi đêm
Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có thể gặp vấn đề đổ mồ hôi đêm

Phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh có thể gặp phải tình trạng đổ mồ hôi ban đêm, lúc này lượng estrogen trong cơ thể đã có sự thay đổi, tạo ra những cơn bốc hỏa khiến người đổ nhiều mồ hôi. Bên cạnh đó, các chị em sau khi đã thực hiện thủ thuật cắt bỏ 2 buồng trứng hoặc trải qua giai đoạn hoá trị ung thư có thể dẫn đến ngừng kinh nguyệt và gây đổ mồ hôi khi ngủ.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là một trong những loại thuốc phổ biến có thể gây ra tình trạng đổ mồ hôi khi ngủ. Theo một thống kê thì khoảng từ 8-22% người dùng thuốc chống trầm cảm gặp phải tình trạng đổ mồ hôi ban đêm. Ngoài ra, một số loại thuốc tâm thần khác cũng có thể làm người sử dụng gặp phải vấn đề này.

Bên cạnh đó, các loại thuốc hạ sốt như acetaminophen, aspirin và ibuprofen có thể làm đổ mồ hôi khi ngủ nhưng không nghiêm trọng. Các liệu pháp điều trị thay thế hormone và steroid như cortisone hoặc prednison cũng có khả năng gây ra tình trạng trên. Nhiều loại thuốc trị tăng nhãn áp và khô miệng thường kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh vào ban đêm, nên bạn cần lưu ý khi sử dụng.

Nhiễm trùng

Khi cơ thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng có thể làm bạn đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, đặc biệt ở một số bệnh như viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, viêm tuỷ xương,… Bên cạnh đó, những người có tình trạng suy giảm miễn dịch khi mắc phải HIV cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự. Và theo một nghiên cứu khác cho thấy, khoảng hơn một nửa số người mắc bệnh lao sẽ thường bị đổ mồ hôi đêm.

Bị ung thư

đổ mồ hôi đêm là dấu hiệu bệnh ung thư
Đổ mồ hôi khi ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư

Tình trạng đổ mồ hôi khi ngủ chính là biểu hiện sớm của một số bệnh ung thư, phổ biến nhất là ung thư hạch. Ung thư hạch là bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch, có thể gây ra các triệu chứng như sốt, sụt cân và đổ mồ hôi vào ban đêm hoặc ban ngày. Cơ thể người bị ung thư hạch thường cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy và đau nhức ở khu vực có khối u.

Hạ đường huyết

Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu quá thấp, lúc này cơ thể sẽ dùng các hormone như cortisol để duy trì mức đường huyết bình thường lại, từ đó kích hoạt hệ thống thần kinh tự chủ và dẫn đến tình trạng tăng tiết mồ hôi. Những người sử dụng insulin để điều trị bệnh đái tháo đường hoặc dùng các loại thuốc trị tiểu đường khác cũng có thể bị hạ đường huyết và gặp tình trạng ra mồ hôi khi ngủ.

Rối loạn nội tiết tố

Nếu bạn thường đổ mồ hôi khi ngủ hoặc thỉnh thoảng bị đỏ bừng mặt thì có thể đang gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tố, gồm có pheochromocytoma (u tủy thượng thận), bệnh cường giáp hoặc hội chứng carcinoid. Với người bị u tuỷ thượng thận sẽ khiến cơ thể sản xuất nhiều hormone, làm tăng huyết áp, đau đầu, mạch đập nhanh và đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên u tuỷ thượng thận không phải là bệnh ung thư, đối tượng mắc bệnh thường sẽ từ 20 đến 50 tuổi.

Các bệnh lý liên quan hệ thần kinh

đổ mồ hôi đêm là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh
Nguyên nhân có thể là do nhiều bệnh lý thần kinh khác

Một số bệnh lý có liên quan đến hệ thần kinh như chứng khó đọc, đột quỵ, bệnh lý thần kinh tự trị hoặc tình trạng syringomyelia sau chấn thương có thể làm cho tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động, dẫn đến vấn đề đổ mồ hôi khi ngủ.

Khi nào cần điều trị chứng đổ mồ hôi khi ngủ?

Điều trị chứng đổ môi hôi ban đêm
Khi nào cần điều trị chứng đổ mồ hôi khi ngủ?

Qua phần tìm hiểu trên đây, chúng ta thấy rằng tình trạng đổ mồ hôi khi ngủ thường xuất phát từ những nguyên nhân bình thường, tuy nhiên đây cũng có thể dấu hiệu cho nhiều loại bệnh lý. Vì vậy, bạn nên đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để thăm khám nếu như:

  • Thường xuyên đổ mồ hôi khi ngủ, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và sức khỏe.
  • Cơ thể có thân nhiệt cao, cảm thấy nóng và run rẩy thường xuyên
  • Thường gặp lo lắng, căng thẳng về tình trạng vấn đề đổ mồ hôi đêm.
  • Xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường khác.

Người đổ mồ hôi khi ngủ nếu bị sốt cao, tiêu chảy, ho hoặc giảm cân không biết lý do thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Nên đến các bệnh viện lớn thăm khám lập tức để xác định rõ nguyên nhân và có phương án điều trị kịp thời.

Giải pháp cho vấn đề đổ mồ hôi khi ngủ

Cách chữa bệnh đổ mồ hôi đêm
Giải pháp cho vấn đề đổ mồ hôi khi ngủ là gì?

Khi thăm khám tại bệnh viện, tuỳ vào từng nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ đưa ra các cách điều trị phù hợp cho bạn. Cụ thể:

  • Đối với phụ nữ mãn kinh: Thông thường các bác sĩ được đề xuất điều trị bằng hormone hoặc kê toa các loại thuốc. Cách này sẽ giúp giảm tình trạng cơ thể bốc hỏa và hạn chế tối đa các triệu chứng khác.
  • Nhiễm trùng tiềm ẩn: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc nhiều loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng.
  • Bệnh ung thư: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc hóa trị, phẫu thuật hoặc thực hiện các phương pháp điều trị khác nhau tuỳ vào tình trạng.
  • Liên quan đến các loại thuốc đang dùng: Bác sĩ có thể điều chỉnh lại liều lượng hoặc dùng các loại thuốc thay thế.

Trường hợp việc đổ mồ hôi khi ngủ là do lạm dụng thuốc, caffeine hoặc thuốc lá thì bạn nên hạn chế sử dụng các chất này. Bạn cũng đừng quên xem xét lại môi trường ngủ của bản thân để có sự điều chỉnh kịp thời, một số lời khuyên sẽ là:

  • Hãy đảm bảo phòng ngủ luôn mát mẻ và thông thoáng liên tục
  • Không nên sử dụng chăn mền, ga giường có chất liệu quá dày
  • Hãy mở cửa sổ hoặc dùng điều hoà, quạt để làm mát
  • Nên chọn các loại đồ ngủ mỏng nhẹ và thoáng mát
  • Nên chuyển sang dùng các loại nệm điều hoà, có khả năng thoáng khí tốt như nệm cao su thiên nhiên hoặc nệm lò xo.

Ngoài ra, trước khi ngủ thì bạn không nên tập thể dục hoặc ăn đồ cay nóng, hãy tuân thủ chế độ ăn ít đường hoặc ít chất béo, thực hiện các bài tập thư giãn trước và sau khi ngủ.

Kết luận

Tình trạng đổ mồ hôi khi ngủ thường gây ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi cho nhiều người. Thế nhưng phần lớn trường hợp đều không phải là vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đây là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Để đảm bảo an toàn, Nệm Trung Nguyên khuyên bạn nên đến các bệnh viện lớn thăm khám nhằm xác định rõ nguyên nhân và được các bác sĩ đề xuất phương án chữa trị hiệu quả.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Bài viết chỉ có mục đích cung cấp thông tin, không được xem là lời khuyên y tế.

Nguồn tham khảo: healthline.com, nhs.uk, medicalnewstoday.com, webmd.com

.
.
.